Sơn La nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường
09:00 - 29/11/2022
(MTNT) – Phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh tích cực xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT). Từ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân (HVND) nâng lên rõ rệt, dần thay đổi hành vi sống thân thiện với môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc BVTV bừa bãi, bảo đảm môi trường sạch, đẹp.
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường.


Công tác bảo vệ môi trường nông thôn luôn được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội. Các cấp hội đã vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường. Tổ chức phổ biến, quán triệt Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đưa nội dung xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững hơn, tích cực xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị định số 131 /2021 /NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”;


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực; thường xuyên tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các cấp Hội hướng dẫn hội viên nông dân thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, xây dựng.
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, tham gia cải thiện môi trường làng nghề; cải tạo hồ, ao, kênh, mương bị ô nhiễm; hạn chế sử dụng túi nilon và sống thân thiện với môi trường. Hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả phân bón an toàn, thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì thuốc sau khi sử dụng; xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản. 


Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 16/12/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Kế hoạch số 03/KH-BCĐ ngày 22/12/2021 của Ban chỉ đạo về An toàn thực phẩm tỉnh; Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh về xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021- 2025; các văn bản chỉ đạo về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tuyên truyền vận động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em; công tác phòng chống mại dâm; công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tuyên truyền thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; công tác phòng chống tội phạm và phòng chống mua bán người... theo các chương trình kế hoạch đã đề ra.


Ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Hội Nông dân tỉnh Sơn La về nâng cao chất lượng giáo dục và công tác phổ cập giáo dục năm 2022. Tham gia duy trì được 2.559 Tổ Nhân dân tự quản “giữ chặt vùng xanh”, với 5.590 thành viên tham gia; duy trì được 2.441 “Tổ Covid-19 cộng đồng”; duy trì được 112 “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân” và hỗ trợ hội viên nông dân gặp khó khăn trong đại dịch bệnh Covid-19.


Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tích cực phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường.


Những nỗ lực đó đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ tài nguyên và môi trường, sống thân thiện với môi trường hơn, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn mới; cải tạo hệ thống điện và vệ sinh môi trường; tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn các chủ hộ, chủ trang trại, gia trại và hội viên thực hiện: chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm; vận động phát triển kinh tế tập thể (thành lập các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp); xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh,...


Ngoài ra, các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hiến 292.143m² đất, đóng góp hơn 177 tỷ đồng và 46.000 ngày công lao động để làm các công trình như đường giao thông, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa, phòng học... Nhiều nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai có quả. Đến hết năm 2021, có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2020.


Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, hàng năm đã có 121.368 hộ nông dân đăng ký, qua bình xét có 69.932 hộ được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vận động xây dựng và duy trì đội văn nghệ ở cơ sở, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nâng cao đời sống tinh thần của nông dân.


Đồng chí Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội ND các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên; nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục có những định hướng chiến lược cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.


Đồng thời, hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh không còn bó hẹp trong việc tự sản xuất, kinh doanh mà đã hiểu được tinh thần hội nhập và có xu hướng hội nhập, liên kết làm ăn để cùng phát triển.

 
Các cấp Hội vận động bà con tại địa phương không nuôi gia súc dưới gầm sàn; làm nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thu gom để thuận tiện cho việc xử lý rác thải...Đó là những việc làm dần đang trở thành thói quen tốt của đồng bào người Thái, người Mông ở Sơn La góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới.


Điển hình như bản Chiềng Ngần, một trong những bản thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường của xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La). Quan sát thấy, con đường bê tông sạch sẽ, nay không còn "bóng dáng" của rác thải nhựa, túi nilon; lá cây rụng cũng được gom lại đúng nơi quy định.


Ông Thào A Sùng, bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La), cho biết: Trước đây, người dân vùng cao chăn nuôi gia súc thường thả rông và buộc ở ngay cạnh nhà, ít người xây chuồng nuôi; chất thải vật nuôi thường không được xử lý. Gia đình ông cũng không ngoại lệ, thế nhưng từ khi được vận động, được tuyên truyền, gia đình ông đã bắt đầu giữ gìn vệ sinh môi trường.


"Trước đây, gia đình tôi chỉ làm nương, làm ruộng, lo đủ cái ăn chứ không để ý chỗ mình ở đã sạch, đẹp hay chưa. Nhưng bây giờ thì khác, được tuyên truyền nên gia đình tôi đã làm chuồng trại, thu gom chất thải vật nuôi để ủ làm phân bón. Các hộ dân trong bản bây giờ cũng có nhà tắm, nhà vệ sinh, đường làng, ngõ xóm cũng được vệ sinh sạch sẽ, đẹp hơn", ông Sùng nói.


Gia đình chị Thào Huyền Trang, bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La), gia đình chị canh tác cây cà phê, cây ăn quả như nhãn, xoài, với khu đất canh tác hơn 1 ha. Khi xuất hiện bệnh trên cây, chị Trang mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện theo đúng quy trình, giảm số lần phun so với trước đây, giảm được chi phí và an toàn hơn. Ðồng thời, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại cây, sử dụng nhóm thuốc sinh học đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.


Chị Trang, chia sẻ: "Sau khi phun thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vỏ bao bì tôi gom lại, cho hết vào một cái bao. Sau mỗi lần đi phun về, tôi mang vỏ để vào bể thu gom rác, nên không ảnh hưởng đến môi trường nữa".


Ông Lò Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La) thông tin: Bản có 86 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, 100% đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số hộ người Thái là 71 hộ, người Mông 15 hộ. 


Trước đây, hầu hết bà con không biết cách vệ sinh nhà, đường bản, đôi khi còn vứt rác bừa bãi ra đường. Trước tình trạng đó, chi bộ phân công từng đảng viên phụ trách vệ sinh bản theo nhóm hộ gia đình, mỗi thành viên quản lý từ 8-12 hộ; phát động các phong trào thi đua sôi nổi như: thu dọn rác thải, khơi thông cống rãnh, kênh mương, vận động người dân cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan khu dân cư.


Đối với chất thải trong chăn nuôi, tuyên truyền, vận động xây dựng chuồng trại kiên cố, xa nhà ở. Nhờ vậy, đến nay, người dân trong bản nhà nào cũng có ý thức trong giữ gìn vệ sinh, chung tay cùng bảo vệ môi trường sống. Hiện, người dân bản tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, tập trung vào 2 tiêu chí chưa đạt (thu nhập, môi trường).


"Người dân Nà Ngần đã thường xuyên tích cực vệ sinh môi trường thôn, bản thông qua những việc làm thiết thực trong cuộc sống gia đình như quét dọn nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, làm chuồng trại, nhà vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định. Đặc biệt là nhiều hộ dân đã biết cải cải tạo, nâng cấp nhà ở, xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh", ông Thanh nói.


Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Đưa tiêu chí môi trường vào quy ước của bản; gắn với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa.


Thời gian tới, để công tác bảo vệ môi trường ngày càng phát huy, mang lại nhiều hiệu quả hơn nữa rất cần có sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của các ngành và các hội đoàn thể ở địa phương… Từ đó, góp phần thiết thực trong việc hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh.
Huy Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn